Thưởng cho người giới thiệu công nhân vào làm
Sáng 4.2 (mùng 7), ghi nhận tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức), nhiều công ty đã hoạt động trở lại, số còn lại sẽ đón công nhân từ ngày 5 – 7.2. Nhiều doanh nghiệp (DN) treo băng rôn tuyển hàng trăm công nhân may và lao động phổ thông. Tuy nhiên, nếu như vào tầm mùng 6, mùng 7 những năm trước, người lao động (NLĐ) tập trung đông trước cửa nhiều công ty để tìm việc thì năm nay tình hình ứng tuyển trầm lắng hơn.
Tại KCX Tân Thuận (Q.7), Trung tâm hỗ trợ và phát triển DN TP.HCM (nơi giới thiệu việc làm cho NLĐ trong khu này) cho biết đã đăng tuyển hàng trăm vị trí từ ngày 3.2 (mùng 6).
Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts VN (FAPV), chuyên sản xuất linh kiện điện tử, cũng đang tuyển hàng trăm công nhân từ 18 – 43 tuổi, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đọc viết. Công nhân làm việc tại đây có thu nhập từ 8,5 – 13 triệu đồng/tháng, hưởng phúc lợi, phụ cấp đi lại, nhà ở… Dù vậy, FAPV thừa nhận việc tuyển lao động phổ thông trước lẫn sau tết vẫn đang gặp khó khăn.
Một nhân viên phụ trách tuyển dụng tại Công ty TNHH Pouyuen VN (Q.Bình Tân) cho hay hiện bộ phận sản xuất đế giày đang cần tuyển 100 lao động. Để thu hút ứng viên, công ty áp dụng chính sách thưởng 1,5 triệu đồng cho người giới thiệu. Về tình hình trở lại làm việc sau tết, từ ngày 3.2 đến nay đã có khoảng 60 – 70% công nhân của bộ phận này vào làm.
Chị Anh Đào (công nhân của Công ty TNHH N. tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp, Q.12; chuyên ngành may mặc) cho biết, sau đợt thay đổi cách tính lương và cắt giảm lao động, công ty đã có nhiều đơn hàng trở lại, thậm chí dự kiến mở rộng xưởng. Tuy nhiên, hiện công ty thiếu nhân lực. Trước tết, công ty lần đầu tiên tổ chức tất niên cho toàn bộ 2.500 công nhân viên và chương trình bốc thăm trúng thưởng gồm 600 phần quà giá trị như xe máy, ti vi, máy giặt, tủ lạnh…
Chị Đào chia sẻ: “Tôi làm ở công ty hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên thấy có tiệc tất niên. Công ty cũng thông báo thưởng 1,5 triệu đồng cho mỗi người giới thiệu công nhân mới, giới thiệu càng nhiều thì nhận càng nhiều. Họ còn trả lương cao cho người đi các tỉnh để “săn” lao động. Giờ tìm công nhân khó lắm, vì ở quê cũng có khu công nghiệp rồi”.
Tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt hơn 85%
Qua báo cáo từ các cấp công đoàn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết, hầu hết cán bộ, công nhân viên chức và NLĐ ở các đơn vị nhà nước đã quay trở lại làm việc, đạt tỷ lệ gần 99%. Đối với các DN tư nhân, công nhân, NLĐ cũng đang dần trở lại làm việc đúng theo lịch hoạt động sản xuất của DN đã thông báo. Tính đến trưa 3.2 (mùng 6), có 12.601 DN (có tổ chức công đoàn) tại TP.HCM với hơn 920.000 công nhân, NLĐ trở lại làm việc, đạt tỷ lệ 85,33%. Riêng DN trong các KCX-KCN và khu công nghệ cao có 157 DN với tổng 45.736 NLĐ trở lại làm việc (tỷ lệ 91,29%).
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), trong tháng 1.2025, có 8.652 DN đăng tuyển NLĐ và 6.049 người đăng ký tìm việc trên cổng thông tin của đơn vị. Trong đó, có 56,97% vị trí “việc tìm người” ở nhóm ngành lao động phổ thông, theo sau đó là ngành thực phẩm – đồ uống (16,44%), da giày – may mặc (10,81%), còn lại các lĩnh vực khác tuyển rất ít (đa số tỷ lệ từ 0 – 2% tổng nhu cầu). Trong khi đó, “người tìm việc” trải đều trên các ngành nghề.
Nếu phân chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, có 37,31% nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật không bằng cấp. Sau đó là tuyển người có chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng (14,48%), sơ cấp nghề từ 3 – 12 tháng (7,88%), trung cấp (19,59%), cao đẳng (8,48%), đại học (12,25%).
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm